Ưu điểm và
hạn chế
Học sinh
học trong một ngôi trường Montessori luôn thích đến lớp, có tính kỷ luật
cao, độc lập, biết cách tự suy nghĩ giải quyết vấn đề. Phương pháp này cũng ghi
nhận thành công ở mọi đối tượng trẻ em, bao gồm cả những trẻ gặp vấn đề về
trí tuệ, thể chất hoặc cả hai. Ở các nước Âu, Mỹ, các trường Montessori
cũng dành cho mọi tầng lớp xã hội, từ thu nhập cao tới thấp, từ các cộng đồng
trí thức tới người dân lao động. Tuy rằng cùng chung một triết lý, cùng dùng
chung bộ giáo cụ, và nhiều quy chuẩn khác, chúng ta không bao giờ tìm thấy hai
trường Montessori giống hệt nhau. Các chương trình Montessori “thích nghi” cao
độ với mỗi đối tượng trẻ em khác nhau, thậm chí là với cả các bậc phụ huynh
khác nhau và các giáo viên khác nhau; cho đến cả các vùng địa lý khác biệt cũng
tạo nên những sự khác biệt cơ bản cho chương trình Montessori ở đó.
Là một
trong những mô hình tốt nhất và nổi tiếng nhất thế giới, tuy nhiên theo
đánh giá của một số nhà giáo dục, phương pháp của Montessori cũng có những điểm
chưa hoàn hảo. Bà coi trọng sự phát triển trí tuệ hơn là mặt cảm xúc và xã hội
của một đứa trẻ. “Người giáo viên Montessori giới thiệu trò chơi, sau đó lùi ra
phía sau, cho phép trẻ tự làm công việc của mình. Trong quan điểm của bà, đồ
vật - chứ không phải con người – là những giáo viên tốt nhất” (Kramer, 1976,
trang 21). Thêm vào đó, bà không cổ vũ cho những câu chuyện cổ tích – ngày nay
đã được chứng minh là rất tốt cho sự phát triển về tình cảm và nhận thức của
trẻ em. Theo bà, “các câu chuyện tưởng tượng chỉ khuyến khích trẻ xa rời thực
tế. Hơn nữa, khi trẻ em nghe truyện cổ tích, chúng thụ động tiếp nhận quan
điểm, cảm giác của người lớn. Trẻ không tự mình suy nghĩ” (Montessori, 1917,
trang 259).
Montessori
trong bối cảnh Việt Nam
Với nhiều
ưu điểm như vậy, nhưng việc đưa một chương trình Montessori “thực sự” vào Việt
Nam không hề dễ dàng. Rào cản lớn nhất là chi phí và nhân lực.
Với yêu
cầu môi trường học tập đẹp, tạo sự thoải mái cho học sinh, mọi đồ nội thất được
thiết kế riêng theo kích thước trẻ em, và theo chuẩn của Montessori, chi
phí sẽ không hề rẻ. Giáo cụ dành cho phương pháp này, hiện nay theo hiểu biết
của những người viết, là không sẵn có ở Việt Nam. Trong khi một bộ giáo cụ như
vậy ở Mỹ bán với giá trên 2500 đô la (khoảng trên 50 triệu đồng Việt Nam), và
chỉ dùng được cho một lớp học duy nhất – không thể chia ra cho nhiều lớp hoặc
dùng chung.
Yêu cầu về
giáo viên của chương trình Montessori cũng rất ngặt nghèo. Ở Mỹ, ngoài
việc phải có bằng đại học (bắt buộc), những người muốn thành giáo viên để làm
việc trong các trường Montessori phải tham dự khóa đào tạo một năm bao gồm 10
tuần học lý thuyết, và một năm thực hành dưới sự hướng dẫn của các giáo viên đã
có chứng chỉ. Chi phí cho các khóa học vào khoảng từ 4.000 tới 10.000 đô la Mỹ,
phụ thuộc vào từng trung tâm đào tạo và chất lượng đào tạo. Hai tổ chức lớn
nhất và được công nhận trên phạm vi toàn thế giới là Cộng đồng Montessori Mỹ
(AMS) và Liên hiệp Montessori Quốc tế (AMI).
Với mức
đầu tư và những yêu cầu nghiêm ngặt về cơ sở vật chất và chất lượng giáo
viên như trên, thông thường học phí của các trường Montessori ở Mỹ rơi vào mức
cao ngay cả đối với người Mỹ.
Kết luận
Qua hàng
trăm năm phát triển, các trường Montessori đã xây dựng được niềm tin và sự yên
tâm ở các bậc phụ huynh trên toàn thế giới. Hiển nhiên, nếu có điều kiện để gửi
con vào một trường như vậy là rất tốt. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên cảnh
giác với vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vốn vẫn xảy ra không
chừa cả lĩnh vực giáo dục. Để nhận diện một trường Montessori thực sự, phụ
huynh cần kiểm tra không chỉ cơ sở vật chất (phòng học thoáng đẹp, nội thất
kích thước dành cho trẻ em, bộ giáo cụ chuẩn) mà còn phải yêu cầu nhà trường
cung cấp chứng chỉ giáo viên Montessori của đội ngũ giáo viên và thông tin về
nơi cấp các chứng chỉ đó.
Một điểm
nữa cần lưu ý, đó là, phương pháp giáo dục theo tiêu chuẩn Montessori không
phải là phương pháp duy nhất tốt. Vẫn còn đó những mô hình khác tốt, và hợp lý
với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Hy vọng các vị phụ huynh đủ tỉnh
táo để nhận biết cái gì là tốt nhất với con mình.
(Ngô Bích Hằng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét