Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

DẠY MONTESSORI CHO BÉ Ở NHÀ - KHÓ HAY DỄ?

"Là một phụ huynh và đồng thời là giáo viên của lớp mẫu giáo theo phương pháp Montessori, tôi đã nhận thấy sự khác biệt rõ ràng giữa cách ứng xử của cô con gái 7 tuổi ở nhà và ở trường học. Bé thực hiện rất tốt các công việc một cách độc lập trong môi trường Montessori ở trường học, tuy nhiên, khi được đưa cho 1 chiếc chổi sau bữa ăn ở nhà, đôi mắt ngấn lệ của bé dường như muốn nói rằng bé không biết quét nhà thế nào.


                                                                   Ảnh minh hoạ

Ở trường, các kỹ năng được giới thiệu từ dễ đến khó, với các nguyên tắc mới được đưa ra từ từ. Thử thách một công việc mới chỉ khi trẻ đã hiểu biết rõ để trẻ có thể thành công. Ví dụ, các bé trong lớp học của tôi thực hành các bài tập như đổ khô, vắt miếng bọt biển, đổ nước, lau khay, lấy nước vào bình và bê bình, và lau dọn sàn nhà, ngay cả ở khu vực trước các giá vẽ. Kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng khi tạo cho trẻ sự yên tâm, tự tin và hình thành kỹ năng ở trẻ; phương pháp này giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Khi giúp trẻ đạt được tính độc lập như vậy, môi trường ở nhà và ở trường học của trẻ là những yếu tố quan trọng nhất, bổ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, tao ra một phòng học Montessori trong nhà bếp và phòng khách của mình thì hoàn toàn không thiết thực, mặc dù hai môi trường có thể bổ trợ lẫn nhau giống như mở rộng môi trường ở mọi hoàn cảnh dựa trên cùng nguyên tắc. Món quà mà chúng ta mang lại cho con cái của mình chính là dành đủ thời gian, đặt ra sự mong đợi phù hợp với lứa tuổi của trẻ và được trao đổi rõ ràng với trẻ, và có niềm tin vào khả năng bẩm sinh của trẻ, đây cũng chính là các nguyên lý của triết lý giáo dục Montessori.

Trẻ rất nhỏ đã có khả năng thực hiện độc lập công việc ở nhà, với điều kiện chúng phải có đủ thời gian và không gian để "tự làm". Ví dụ, các bé 3 - 4 tuổi có thể lau và quét bụi trên bàn, gấp khăn mặt, và phân loại đồ dùng bằng bạc. Trẻ lớn hơn có thể dọn đĩa trên bàn, gấp nhiều loại quần áo và lau cửa sổ. Các nhiệm vụ được đưa ra không có sức ép thời gian - đặc tính vốn có của cuộc sống hiện đại sẽ cho trẻ cơ hội tập trung vào công việc sắp tới và sử dụng sự sắp xếp sẵn có để thực hiện. Trẻ hầu như không đòi hỏi có người cùng làm với mình. Tuy nhiên, chúng ta, các bậc phụ huynh, phải bớt chỉ trích và sẵn lòng hơn để chấp nhận các kết quả chưa hoàn hảo khi các nhiệm vụ đã được trẻ thực hiện với khả năng tốt nhất. Cuối cùng, con cái của chúng ta xứng đáng được trải nghiệm các thử thách nho nhỏ này mà thường đi kèm với việc học kỹ năng. Ở nhà tôi, một tiếng khóc thét báo hiệu sự nguy cấp nhưng không phải nhu cầu cần giúp đỡ thực sự. Mặc dù tôi là người có kiến thức và được đào tạo, tôi vẫn phải kìm nén việc lao ra để giúp con gái khi có dấu hiệu đầu tiên của sự thất bại. Chúng ta đã lấy đi của con cái cơ hội học tập quý giá khi chúng ta can thiệp vào và làm mọi việc tồi tệ hơn, thậm chí có thể làm cho chúng có cảm giác vô dụng.

Tôi đã thử nghiệm một phương pháp khác với con gái mình khi tôi nhớ đến câu trong cuốn sách The Montessori Method (trang 109): "Đứa trẻ không làm sẽ không biết cách làm thế nào". Tôi bắt đầu bằng việc phân tích nhiệm vụ quét nhà và quên đi việc phải hạn chế thời gian, chúng tôi đã quét nhà thay vì đi tắm vào tối hôm đó.


                                                                  
   Ảnh minh hoạ

Tôi đề nghị bé đi tìm một chiếc chổi và tôi ngạc nhiên khi bé quay lại với một cái chổi và cái xẻng có tay cầm nhỏ. Rõ ràng, đây là những dụng cụ mà bé đã sử dụng để quét dọn khu vực nhỏ ở lớp học của mình. Tôi đã sai lầm khi cho rằng bé đã biết sử dụng một cái chổi thông thường để quét khu vực rộng. Sau khi chỉ cho bé cách sử dụng một cái chổi dành cho trẻ em ở tư thế thẳng đứng cho nhiệm vụ này, tôi đã đi ra ngoài để bé có không gian làm việc, cho dù bé có phản đối là nhiệm vụ "quá nặng nề". Nửa tiếng sau, bé hoàn thành việc quét nhà bếp và đề nghị được quét phòng khách. Mặc dù công việc chưa hoàn hảo, đứa trẻ tươi cười đứng trước mặt tôi rõ ràng đang thể hiện sự mãn nguyện khi cố gắng độc lập.

Tôi không thể nói rằng con mình đã trở thành một người lau sàn nhà hiệu quả và vui vẻ. Tuy nhiên, buổi tối hôm đó, bé đã bắt đầu học một kỹ năng đáng quý và quan trọng hơn, nó đã vượt qua sự mong đợi nội tại của bé. Đối với tôi, kinh nghiệm này như một lời nhắc nhở các bậc phụ huynh và giáo viên cần chia sẻ mục tiêu chung trong việc nuôi dạy trẻ trở nên tự tin và độc lập. Nếu chúng ta, các bậc phụ huynh có thể dành thời gian để mang đến cho trẻ những cơ hội tốt hơn để tự làm việc ở nhà, chúng ta đang giúp trẻ trở thành người có tính độc lập và có năng lực.
(Author: Staci Jensen)(Dịch bởi Behocmontessori)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét