Trong khi
phần đông các nhà giáo dục lớn đều thiên về lý thuyết, Maria
Montessori là người dành cả cuộc đời cho công việc giảng dạy trẻ em.
Không dựa trên các nghiên cứu bài bản, các ý tưởng của bà xuất phát trong quá
trình làm việc với trẻ em, và được thực tế kiểm chứng mức độ đúng đắn. Hãy xem
cách làm của bà.
1. Xây dựng môi trường
Trẻ học
ngôn ngữ và các kỹ năng quan trọng cơ bản của cuộc sống thông qua tiếp nhận một
cách vô thức từ môi trường xung quanh, do đó tạo ra một môi trường học tập tốt
cho trẻ là ưu tiên số một của phương pháp này. “Môi trường” ở đây, theo
Montessori, không chỉ bao gồm vùng không gian mà trẻ sử dụng, nội thất phòng
học, đồ chơi; mà còn là những giáo viên, nhân viên nhà trường và các trẻ khác
mà trẻ được tiếp xúc hàng ngày. Do đó, bà chuẩn bị tất cả mọi thứ có thể để
mang lại môi trường tốt nhất cho trẻ.
Ảnh minh hoạ (internet)
Lớp học
Montessori trông thực sự giống ngôi nhà của bảy chú lùn trong truyện cổ
tích. Ở đó có những chiếc bàn, ghế, đĩa bát v.v bé xinh vừa với trẻ em. Tất cả
nhằm xây dựng một môi trường thoải mái nhất cho trẻ nhằm giúp trẻ tiếp thu kiến
thức tốt nhất. Không chỉ có nội thất kích thước trẻ em, trong lớp học
Montessori, chúng ta bắt gặp những đồ gia dụng thực sự với kích thước này. Thay
vì những con dao nhựa, trẻ được học cách sử dụng những con dao lưỡi sắc mà
không gây thương tích cho mình và những người xung quanh. Montessori quan niệm
những con dao, cái kéo, lò nướng … thu nhỏ này giúp trẻ học được những kỹ năng
thực sự cần thiết và cả ý thức về an toàn.
Tất cả các
vật dụng trong lớp đều có một vị trí cố định ở dưới thấp, vừa tầm tay với của
trẻ. Bất cứ khi trẻ cần cái gì, trẻ đều biết chính xác vật đó đang ở đâu và sau
khi sử dụng xong rồi thì bé phải cất lại chỗ nào. Sự sắp xếp này tạo điều kiện
cho trẻ thực hiện một hoạt động được liên tục cho tới khi ý tưởng của bé hoàn
thành. Thử tưởng tượng trẻ muốn làm một cô nàng búp bê giấy, mà không thể tìm
được kéo ở đâu, hồ dán chỗ nào, và liên tục phải chạy ra nhờ cô giáo lấy hộ khi
thì cuộn chỉ, khi thì hộp sáp màu tận tít trên cao. Đến lúc tìm được hết những
thứ cần thiết, có khi ý tưởng về một cô búp bê biết chơi bóng đá đã bay vèo qua
cửa sổ mất rồi.
Với
Montessori, việc giáo viên biết cách tạo dựng môi trường lớp học luôn đẹp và
ngăn nắp cũng quan trọng như biết cách chăm sóc trẻ khỏe mạnh vậy. Bà đòi hỏi
giáo viên hình dung chi tiết khi trẻ đến lớp, hình ảnh và âm thanh đầu tiên các
bé ghi nhận là gì, không khí lớp học có thoáng đãng không, có hoa tươi hay
không v.v. Đây chính là những hành động cụ thể của giáo viên để giáo dục cảm
giác cho trẻ.
Ngoài ra,
để tăng cường sự gắn bó của trẻ với “cộng đồng nhỏ” của mình, một lớp học sẽ
bao gồm nhiều nhóm trẻ khác độ tuổi. Điều này khiến trẻ có thể học hỏi từ bạn
bè, từ các trẻ lớn hơn. Cách bố trí lớp học như vậy cũng khiến trẻ
được tiếp xúc lâu dài với một vài giáo viên trong suốt những năm học trong
trường. Giáo viên, do đó có thời gian tìm hiểu rõ điểm mạnh yếu và cách học của
từng trẻ đồng thời xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa phụ huynh, giáo
viên và học sinh.
2. Tự lập và tập trung
Montessori
cho rằng trẻ em cần và muốn được tự mình lo lấy các việc cá nhân. Người lớn
chúng ta đang “phục vụ” trẻ em quá nhiều, trong khi nên nhớ rằng nếu trẻ không
được làm cái gì, chúng sẽ không biết làm cái ấy. Tại sao trẻ không được tập dọn
đồ ăn cho bản thân mình chỉ vì nỗi sợ của người lớn là chúng sẽ đánh đổ bát
đĩa? Với niềm tin trên, Montessori khuyến khích giáo viên tạo cơ hội cho trẻ
được làm mọi thứ trong khả năng, đồng thời cũng giao trách nhiệm cho các cô bé
cậu bé giữ gìn lớp học luôn sạch sẽ và gọn gàng như vốn có.
Ảnh minh hoạ (internet)
Để phát
triển năng lực tư duy, rèn luyên kỹ năng làm việc và quản lý công việc của trẻ,
Montessori dành cho trẻ những khoảng thời gian mở để thực hiện các “dự án” của
mình. Dựa trên quan sát, bà đưa ra kết luận rằng, trẻ em thể hiện sự tập trung
cao độ khi được tự do khám phá vô số những điều thú vị xung quanh. Do đó các
giáo viên Montessori cho phép trẻ tự chọn công việc mà chúng sẽ làm, tự quyết
định cách làm và thời gian hoàn tất. Như vậy, học sinh thì được tự do tìm hiểu
và trải nghiệm trong khi giáo viên có thời gian để quan sát và giúp đỡ trẻ khi
cần. Giáo viên không yêu cầu trẻ bỏ dở công việc của chúng, trừ khi thực sự cần
thiết.
3. Quan sát học sinh
Tiến sĩ
Montessori cho rằng không có ai là không có khả năng học tập. Nếu trẻ không học
được, có nghĩa là người lớn chưa lắng nghe trẻ đủ cẩn thận, hoặc là chưa quan
sát trẻ đủ kỹ càng. Với cách thiết kế lớp học trong đó học sinh tự làm
các công việc phục vụ bản thân và tự làm chủ quá trình học tập như trên
đã trình bày, các giáo viên hoàn toàn có đủ thời gian để tìm hiểu nhu cầu và
phương pháp học thích hợp cho trẻ.
4. Bộ trò chơi phát triển năng lực
Montessori
phát triển bộ giáo cụ để phát triển năm lĩnh vực: giác quan, kỹ năng cuộc sống,
ngôn ngữ, toán, địa lý và văn hóa. Bộ giáo cụ này bao gồm 134 trò chơi khác
nhau dành cho trẻ. Các trò chơi này được thiết kế để trẻ tự chơi và tự kiểm
chứng kết quả công việc của mình (ví dụ bộ xếp hình bản đồ thế giới, nếu các
mảnh ghép sẽ chưa khớp lại được với nhau, trẻ tự biết là mình chưa xếp đúng).
Giáo viên được đào tạo để hiểu rõ ý nghĩa của mỗi trò chơi, quy trình và cách
giải thích cho trẻ. Trong giờ học, trẻ tự lựa chọn trò chơi cho mình – mỗi trò
nhằm phát triển một hay một vài trong số năm lĩnh vực trên. Nếu trẻ gặp khó
khăn, giáo viên sẽ đưa ra chỉ dẫn hợp lý cho trẻ.
(giadinh.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét