Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG LỚP HỌC MONTESSORI

Lớp học Montessori luôn có 2 yếu tố: TỰ DO và KỶ LUẬT. Tự do và kỷ luật là hai phạm trù thường không đi cùng nhau, nhất là đối với con trẻ. Điều này dường như rất vô lý khi ta cho trẻ được quyền tự do nhưng vẫn đặt ra những nguyên tắc kỷ luật hoặc ngược lại trẻ phải tuân theo những quy định mới có được tự do.Vậy Tự do và Kỷ luật trong Montessori có gì khác biệt?




Muốn hiểu về kỷ luật trước hết ta phải hiểu về sự tự do trong lớp học Montessori. Tự do ở đây là trao cho trẻ quyền được lựa chọn những hoạt động có mục đích và bổ ích trong môi trường lớp học để thực hiện vì chỉ có bản thân trẻ mới có thể hiểu được chúng có những nhu cầu gì ở từng giai đoạn phát triển. Bản thân giáo viên hay cha mẹ không thể hiểu rõ những nhu cầu này như chính trẻ nên không thể áp đặt trẻ phải làm gì theo ý người lớn.
Nhiều phụ huynh có thể lo ngại rằng khi cho trẻ nhiều quyền tự do như vậy trong lớp Montessori thì lớp học sẽ nhanh chóng trở nên náo loạn. Đây là quan niệm chưa đúng vì một số Phụ huynh chưa nắm rõ phương pháp và triết lý của bà Maria Montessori. Tự do mà bà Maria trao cho những đứa trẻ trong lớp học của bà là nhằm mục đích hình thành tính kỷ luật tự nguyện (self-discipline) ở trẻ.

Trẻ có thể nghe theo những gì người lớn bảo chúng phải làm 1 cách miễn cưỡng và nhiều cha mẹ hài lòng ở mức độ này. Tuy nhiên, nếu trẻ vâng lời một cách vui vẻ và không cảm thấy có sự ức chế nào thì đó mới là điều các bậc Phụ huynh và giáo viên mong muốn nhất. Không có sự cấm cản hay áp đặt trong lớp học Montessori, không thưởng hay phạt trẻ. Mọi thứ phải được diễn ra một cách tự nhiên do chính bản thântrẻ bộc lộ ra cho chúng ta thấy. Và vai trò của một giáo viên Montessori chính là người quan sát (observer) những biểu hiện và hành vi của trẻ và không can thiệp quá sâu vào hoạt động của trẻ bởi phương pháp Montessori luôn lấy trẻ làm trung tâm.



Trong lớp học Montessori, trẻ sẽ biết cách sử dụng cẩn thận và biết giữ gìn các học cụ, đồ dùng trong môi trường lớp học. Mỗi một học cụ GV sẽ hướng dẫn cho trẻ cách cầm, bưng bê sao cho đúng nguyên tắc, không làm đổ bể. Khi đặt đồ dùng xuống phải thật cẩn thận, nhẹ nhàng không tạo ra tiếng động.Trẻ sử dụng học cụ xong phải biết cách tự xếp gọn gàng học cụ lại vị trí ban đầu để cho trẻ khác sử dụng.
Các đồ dùng trong lớp có thể được làm bằng thủy tinh thật để sát với thực tế cuộc sống nhưng không có nghĩa trẻ được quyền làm đổ bể các đồ dùng dễ vỡ này. Chúng ta có thể cho phép trẻ làm vỡ một lần duy nhất để trẻ tự nhìn vào lỗi sai của mình và cầm chúng cẩn thận hơn vào lần sau để không làm vỡ nữa. Đó là lợi ích của việc trao cho trẻ quyền tự do trải nghiệm và kiểm điểm bản thân. Nếu chúng ta ngăn cấm trẻ tiếp xúc với các đồ vật thật như thế thì ko bao giờ trẻ có thể nhận ra những điều chúng cần tránh.

Trẻ có thể tự mặc lấy những chiếc tạp dề và Giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ cách làm sạch những góc nhỏ bám bụi trong lớp và chỉ cho chúng cách sử dụng vô số những loại dụng cụ khác nhau trong bộ học cụ Montessori để làm vệ sinh lớp học.

Trẻ sẽ học được cách tôn trọng và quan tâm đến quyền lợi của những người xung quanh, biết cách chăm sóc những người xung quanh và các sinh vật tồn tại trong thế giới xung quanh trẻ.Trẻ trong lớp Montessori sẽ không làm phiền người khác khi người đó đang làm việc nếu không thật cần thiết. Trẻ được tạo điều kiện gần gũi với thế giới thiên nhiên, chăm sóc cây trồng, vật nuôi là rất hữu ích nhằm phát triển tinh thần trách nhiệm của trẻ với môi trường sống.

Trẻ sẽ được học cách đi đứng nhẹ nhàng ko gây ra quá nhiều tiếng động ồn ào qua bài tập Walking on the line, học cách giữ im lặng một cách đầy thích thú qua bài tập Being Silent.

Như vậy, mọi thứ diễn ra trong một lớp học Montessori luôn chứa đựng những điều kì diệu mà chắc chắn các bậc Phụ huynh và các nhà giáo dục sẽ khó mà tìm thấy ở những lớp bình thường. Trẻ luôn vui thích và tự giác vâng lời, không hề có sự miễn cưỡng hay áp lực nào cho trẻ. Đó mới thực sự là môi trường giáo dục lý tưởng theo đúng triết lý của bà Maria Montessori.

(bonghoanho.com)


NGÀY SINH NHẬT Ý NGHĨA CHO BÉ THEO PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI

Bánh kem, bóng bay hay những món quà nhỏ xinh đều là thứ mà các bé mong đợi trong bữa tiệc sinh nhật của mình. Thế nhưng ba mẹ có bao giờ nghĩ rằng chỉ với một quả địa cầu và một ngọn nến, sinh nhật của bé đã có thể thêm phần ý nghĩa hơn rất nhiều không? Chúng ta hãy cùng khám phá xem cách mà các bé mừng sinh nhật trong lớp học Montessori có gì đặc biệt nhé.

Một ngọn nến sẽ được thắp sáng tượng trưng cho Mặt Trời. 12 cards tượng trưng cho 12 tháng trong một năm sẽ được xếp tỏa ra xung quanh ngọn nến, tượng trưng cho tia sáng từ Mặt Trời. Quả địa cầu (một học cụ trong lĩnh vực Culture trong phương pháp Montessori) sẽ cho các bé thấy hình ảnh mô phỏng của Trái Đất.
Giáo viên và các bé sẽ ngồi thành vòng tròn xung quanh Mặt Trời và 12 tháng trong năm, trong khi bạn nhỏ có sinh sinh nhật thì sẽ cầm quả địa cầu trên tay và đứng cạnh tháng sinh nhật của mình.
Cứ mỗi một năm trôi qua đánh dấu sự trưởng thành của bé, bé sẽ cầm quả địa cầu trên tay và đi một vòng xung quanh "Mặt Trời". Nếu bé đang mừng sinh nhật 5 tuổi của mình thì bé sẽ đi tổng cộng 5 vòng. Cứ mỗi một vòng như vậy thì ba mẹ hoặc giáo viên sẽ nhắc lại những gì bé đã đạt được ở độ tuổi đó. Bé sẽ kết thúc ngay đúng tại vị trí của tháng sinh nhật mà bé đã bắt đầu trước đó.


                                                             (Ảnh: bonghoanho.com)

Bằng cách này, trẻ có thể hiểu được rằng chúng ta đang sinh sống và tồn tại trên Trái Đất, trẻ biết được chu kỳ chuyển động 365 ngày đêm của Trái Đất xung quanh Mặt Trời tương ứng với một năm trôi qua. Hơn thế nữa, trẻ có thể nắm rõ hơn về các tháng trong một năm và đây cũng được xem như một cách thú vị để trẻ học đếm.
Khi kết thúc, bé có thể thổi nến và nhận những lời chúc mừng sinh nhật từ các bạn nhỏ cùng lớp. 
Với phương pháp Montessori, trẻ tuy còn nhỏ tuổi vẫn hoàn toàn có thể khám phá thế giới xung quanh chúng một cách chủ động và đầy hứng thú.
                                                                                                                                        (bonghoanho.com)



DỰ GIỜ LỚP HỌC MONTESSORI

"Vào khoảng 9:00 sáng, nửa tiếng sau khi những đứa trẻ đã vào lớp từ sân chơi và bắt đầu công việc của chúng. Tôi đã đến trường để dự giờ phòng học của con trai tôi một vài tháng trước.

Khi tôi bước về phía lớp học tôi nhìn thấy 2 đứa trẻ, chắc là khoảng 5 hoặc 6 tuổi, với một chuỗi dây dài thật dài nằm dọc hành lang. Như tên của nó, đây là một chuỗi bao gồm một ngàn hạt màu vàng, đặt trên một tấm thảm lông cừu, được cắt gọn theo đúng kích thước và chiều dài. Những đứa trẻ đang đếm và đánh số từng hạt một khi chúng đếm lên đến một ngàn. Chúng ngước lên nhìn khi tôi bước vào, nở nụ cười và sau đó quay trở lại tiếp tục công việc của chúng.



Tôi bước vào phòng và vô cùng ngạc nhiên với không khí bên trong lớp học. Nó thật yên tĩnh, nhưng lại rất bận rộn. Chỉ có một chút nhỏ tiếng ồn – nó không hoàn toàn yên lặng, cũng không quá ồn ào, nhưng chỉ đơn giản là một tiếng động và giọng nói nhỏ khi chúng làm việc và nói chuyện. Tôi tự mình đến chỗ ngồi quan sát. Cảm giác về một lớp học nơi mà những đứa trẻ chăm chú làm việc thật đầy cảm hứng.

Tôi nhìn quanh phòng học và tìm con trai mình, ngồi trong nhóm cùng với 3-4 đứa trẻ khác và giáo viên của chúng. Họ đang làm việc nới tấm bản đồ Bác Mỹ, học tên của những vùng đất khác nhau. Sau đó họ hát một bài hát bao gồm những cái tên ấy, và tôi có thể nghe giọng của con mình rất to và rõ hát cùng với các bạn. Đây là lần đầu tiên tôi nghe con trai mình hát thật rõ ràng và thật tự tin, tim tôi như võ ra vì tự hào. Tôi biết rằng con chắc hẳn cảm thấy rất thoải máy ờ đây.


Tôi liếc nhìn sang xung quanh để xem những đứa trẻ khác đang làm gì. Tôi thấy một vài bé với những chữ cái có thể di chuyển của chúng trên thảm trải sàn, đang đánh vần những từ trước mặt chúng. Tôi mỉm cười - lấy làm vui với những âm đánh vần sai của chúng, hãnh diện với khả năng và sự thích thú viết chữ, câu, thậm chí là những câu chuyện dài độc lập. Tôi thấy hai đứa trẻ đem chậu cỏ từ cửa ra ngoài vườn để làm việc của chúng dưới ánh năng mặt trời và không khí trong lành. Một cô bé nhỏ, khoảng chừng 3 đến 4 tuổi, có một hộp thẻ màu nhỏ đặt trên sàn. Cô bé đang học một bài học nâng cao từ việc này – cô ấy đặt nhựng tấm thẻ dọc theo tấm thảm trên sàn, và chạy vào lớp học để tìm những vật tương ứng với màu của từng tấm thẻ. Cô ấy có một cái bình hoa màu vàng và một cây bút màu xanh da trời sẵn trên sàn, mỗi vật được đặt ngay tại những thẻ màu tương ứng. Cô bé bây giờ đang tìm vật gì đó màu đỏ. Sau đó, cô bé sẽ trả lại những vật đó về đúng chỗ đã lấy trong lớp. Đó quả thật là một sự ghi nhớ và tập trung vô cùng ấn tượng đối với một đứa trẻ nhỏ như thế.

Hầu hết những đứa trẻ đều đang say mê làm việc của chúng, và những sẽ như thế trong cuộc sống, tính toán, cảm nhận, vv.. Một vài trẻ tham gia vào những cuộc đối thoại, hoặc có một số trẻ quan sát những bạn khác trước khi quyết định phải làm việc gì. Tôi rất ngạc nhiên với sự điềm tĩnh và ngăn nắp trong lớp học. Trong khoảng một giờ đồng hồ trên lớp, tôi quan sát thấy con trai mình học một bài học mới, chơi xếp hình với một trong những bạn thân của con, và ăn bánh snack (rửa tay trước và sau khi ăn, và vứt đĩa dơ vào thùng rác sau đó. Con tôi trông rất trưởng thành trong lớp học này)

Trước khi quá trễ, tôi nhìn lên đồng hồ và biết rằng đã đến lúc phải rời khỏi. Tôi nhìn về phía giáo viên và vẫy tay nhẹ để cô ấy biết rằng tôi phải đi, sau đó một cách nhẹ nhàng bước ra ngoài lớp mà không làm phiền bất cứ sự tập trung nào của ai. Tôi hít một hơi thật sâu khi bước ra xe, một cảm giác yên bình và lân lân đến với tôi. Đây quả thật là một nơi tuyệt vời cho con tôi, và tôi rất vui vì con học ở đây".
www.mariamontessori.com


DẠY MONTESSORI CHO BÉ Ở NHÀ - KHÓ HAY DỄ?

"Là một phụ huynh và đồng thời là giáo viên của lớp mẫu giáo theo phương pháp Montessori, tôi đã nhận thấy sự khác biệt rõ ràng giữa cách ứng xử của cô con gái 7 tuổi ở nhà và ở trường học. Bé thực hiện rất tốt các công việc một cách độc lập trong môi trường Montessori ở trường học, tuy nhiên, khi được đưa cho 1 chiếc chổi sau bữa ăn ở nhà, đôi mắt ngấn lệ của bé dường như muốn nói rằng bé không biết quét nhà thế nào.


                                                                   Ảnh minh hoạ

Ở trường, các kỹ năng được giới thiệu từ dễ đến khó, với các nguyên tắc mới được đưa ra từ từ. Thử thách một công việc mới chỉ khi trẻ đã hiểu biết rõ để trẻ có thể thành công. Ví dụ, các bé trong lớp học của tôi thực hành các bài tập như đổ khô, vắt miếng bọt biển, đổ nước, lau khay, lấy nước vào bình và bê bình, và lau dọn sàn nhà, ngay cả ở khu vực trước các giá vẽ. Kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng khi tạo cho trẻ sự yên tâm, tự tin và hình thành kỹ năng ở trẻ; phương pháp này giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Khi giúp trẻ đạt được tính độc lập như vậy, môi trường ở nhà và ở trường học của trẻ là những yếu tố quan trọng nhất, bổ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, tao ra một phòng học Montessori trong nhà bếp và phòng khách của mình thì hoàn toàn không thiết thực, mặc dù hai môi trường có thể bổ trợ lẫn nhau giống như mở rộng môi trường ở mọi hoàn cảnh dựa trên cùng nguyên tắc. Món quà mà chúng ta mang lại cho con cái của mình chính là dành đủ thời gian, đặt ra sự mong đợi phù hợp với lứa tuổi của trẻ và được trao đổi rõ ràng với trẻ, và có niềm tin vào khả năng bẩm sinh của trẻ, đây cũng chính là các nguyên lý của triết lý giáo dục Montessori.

Trẻ rất nhỏ đã có khả năng thực hiện độc lập công việc ở nhà, với điều kiện chúng phải có đủ thời gian và không gian để "tự làm". Ví dụ, các bé 3 - 4 tuổi có thể lau và quét bụi trên bàn, gấp khăn mặt, và phân loại đồ dùng bằng bạc. Trẻ lớn hơn có thể dọn đĩa trên bàn, gấp nhiều loại quần áo và lau cửa sổ. Các nhiệm vụ được đưa ra không có sức ép thời gian - đặc tính vốn có của cuộc sống hiện đại sẽ cho trẻ cơ hội tập trung vào công việc sắp tới và sử dụng sự sắp xếp sẵn có để thực hiện. Trẻ hầu như không đòi hỏi có người cùng làm với mình. Tuy nhiên, chúng ta, các bậc phụ huynh, phải bớt chỉ trích và sẵn lòng hơn để chấp nhận các kết quả chưa hoàn hảo khi các nhiệm vụ đã được trẻ thực hiện với khả năng tốt nhất. Cuối cùng, con cái của chúng ta xứng đáng được trải nghiệm các thử thách nho nhỏ này mà thường đi kèm với việc học kỹ năng. Ở nhà tôi, một tiếng khóc thét báo hiệu sự nguy cấp nhưng không phải nhu cầu cần giúp đỡ thực sự. Mặc dù tôi là người có kiến thức và được đào tạo, tôi vẫn phải kìm nén việc lao ra để giúp con gái khi có dấu hiệu đầu tiên của sự thất bại. Chúng ta đã lấy đi của con cái cơ hội học tập quý giá khi chúng ta can thiệp vào và làm mọi việc tồi tệ hơn, thậm chí có thể làm cho chúng có cảm giác vô dụng.

Tôi đã thử nghiệm một phương pháp khác với con gái mình khi tôi nhớ đến câu trong cuốn sách The Montessori Method (trang 109): "Đứa trẻ không làm sẽ không biết cách làm thế nào". Tôi bắt đầu bằng việc phân tích nhiệm vụ quét nhà và quên đi việc phải hạn chế thời gian, chúng tôi đã quét nhà thay vì đi tắm vào tối hôm đó.


                                                                  
   Ảnh minh hoạ

Tôi đề nghị bé đi tìm một chiếc chổi và tôi ngạc nhiên khi bé quay lại với một cái chổi và cái xẻng có tay cầm nhỏ. Rõ ràng, đây là những dụng cụ mà bé đã sử dụng để quét dọn khu vực nhỏ ở lớp học của mình. Tôi đã sai lầm khi cho rằng bé đã biết sử dụng một cái chổi thông thường để quét khu vực rộng. Sau khi chỉ cho bé cách sử dụng một cái chổi dành cho trẻ em ở tư thế thẳng đứng cho nhiệm vụ này, tôi đã đi ra ngoài để bé có không gian làm việc, cho dù bé có phản đối là nhiệm vụ "quá nặng nề". Nửa tiếng sau, bé hoàn thành việc quét nhà bếp và đề nghị được quét phòng khách. Mặc dù công việc chưa hoàn hảo, đứa trẻ tươi cười đứng trước mặt tôi rõ ràng đang thể hiện sự mãn nguyện khi cố gắng độc lập.

Tôi không thể nói rằng con mình đã trở thành một người lau sàn nhà hiệu quả và vui vẻ. Tuy nhiên, buổi tối hôm đó, bé đã bắt đầu học một kỹ năng đáng quý và quan trọng hơn, nó đã vượt qua sự mong đợi nội tại của bé. Đối với tôi, kinh nghiệm này như một lời nhắc nhở các bậc phụ huynh và giáo viên cần chia sẻ mục tiêu chung trong việc nuôi dạy trẻ trở nên tự tin và độc lập. Nếu chúng ta, các bậc phụ huynh có thể dành thời gian để mang đến cho trẻ những cơ hội tốt hơn để tự làm việc ở nhà, chúng ta đang giúp trẻ trở thành người có tính độc lập và có năng lực.
(Author: Staci Jensen)(Dịch bởi Behocmontessori)



NHỮNG NGUYÊN TẮC KHI DẠY THEO PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI

1. Hãy chắc chắn rằng bạn có đủ thời gian là 3 giờ cho một lần dạy mà không bị gián đoạn. Trẻ em cần thời gian này để tự học cách chơi. Và bạn phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho buổi học tiếp theo (lưu ý đây là vấn đề quan trọng).



2. Hãy để trẻ em tự kiểm soát việc học của chúng. Bạn phải chờ đến khi bọn trẻ yêu cầu bạn giúp đỡ chúng làm thế nào để sử dụng các dụng cụ. Hãy để chúng tự do và không có một giới hạn thời gian nào cho bất cứ dụng cụ nào.'



3. Không sửa bất cứ sai lầm nào của bọn trẻ, bạn đừng đánh giá trẻ sai hay đúng, ngoan hay hư, ngược lại hãy tôn trọng công việc và tính cách của chúng. Montessori nhấn mạnh vào sự sáng tạo hơn là sự chính xác. Không có sự chấm điểm nào cả. Montessori không có hình phạt lẫn phần thưởng.



4. Hãy ghi nhớ xây dựng tính cách cho trẻ quan trọng hơn là xây dựng các kỹ năng. Trẻ em học cách tự làm những việc bằng chính sức của mình ngay cả việc được coi là khó khăn hoặc nguy hiểm như quét nhà, sử dụng búa đóng đinh hoặc làm vườn. Đây là những nhiệm vụ quan trọng để cung cấp cho chúng tình yêu trong công việc, sự cố gắng và sự tự tin.
(ehow.com)

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI - THÁCH THỨC CHO VIỆC ÁP DỤNG

Trên thực tế, đây là phương pháp giáo dục được hình thành từ đầu thế kỷ 20, hiện được áp dụng thành công tại không dưới 7.000 cơ sở giáo dục có chứng chỉ trên toàn thế giới. Montessori cũng được tích hợp vào các loại hình trường lớp khác nhau như mầm non, trường năng khiếu, trường cho trẻ khuyết tật, trường học đại chúng hoặc các lớp kỹ năng ngoại khóa.




Montessori hay giáo dục kỹ năng sống?

Phương pháp Montessori bắt đầu gây chú ý tại Việt Nam khi một số trường mầm non tư thục quảng cáo là nơi đầu tiên áp dụng phương pháp này. Lý thuyết về Montessori cũng xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng và được các bậc cha mẹ rất quan tâm trên một số diễn đàn và cộng đồng mạng nổi tiếng.

Quan tâm tìm hiểu, ai cũng có thể thấy phương pháp này cực kỳ hiệu quả khi giúp khơi dậy những khả năng tiềm tàng của mỗi đứa trẻ, giúp trẻ vượt lên trở thành cá nhân xuất sắc trong xã hội. Mặc dù vậy, rất nhiều người vẫn mơ hồ về cách thức và tiến trình giáo dục của Montessori.

Khi Montessori được đưa vào trường mầm non với những giáo cụ phù hợp, phòng học trang trí đẹp đẽ, cho phép trẻ tự do lựa chọn hoạt động mình ưa thích, các bậc phụ huynh cho rằng Montessori tập trung phát triển tính tự lập của trẻ, giúp trẻ nhận biết sớm hơn những bạn bè khác cùng trang lứa.

Cùng lúc, một số nhà văn hóa thiếu nhi và các tổ chức giáo dục cũng có các lớp học kỹ năng ngoại khóa, nhiều người lại quy Montessori vào mục đích chủ yếu là phát triển kỹ năng sống cho trẻ, giúp trẻ biết tự chăm sóc bản thân, và dĩ nhiên điều này chỉ được áp dụng ở độ tuổi nhất định.
Thật ra, nếu làm đúng cách, Montessori kỳ diệu hơn rất nhiều sự mong đợi ở các ông bố bà mẹ, có thể khiến một đứa trẻ bình thường cũng phát huy tối đa tiềm năng của mình để trở thành cá nhân nổi bật, xuất sắc, vượt trội trong số đông. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục rất hiệu quả này đòi hỏi đầu tư xứng đáng về nguồn lực, đặc biệt là về chi phí và nhân lực.

Đầu tư cho Montessori ở trường mầm non

                                  

Cơ sở vật chất cho Montessori là một thách thức không nhỏ. Thế giới Montessori là “thế giới thu nhỏ” cho trẻ em. Bất cứ thứ gì có ở ngoài đời thực cũng có thể được “sao chép” lại để trở thành giáo cụ trong lớp học.

Một trường Montessori lý tưởng sẽ cần không gian rộng lớn cho các khu vực vận động ngoài trời, vườn cây, rau và hoa. Thêm vào đó, bộ giáo cụ nguyên bản cũng không đơn giản, phải là dụng cụ thật với kích thước phù hợp với trẻ, bằng chất liệu an toàn, đa phần phải nhập ngoại.

Trong lớp học Montessori có những bộ công cụ riêng để trẻ học sử dụng cúc bấm, nút thắt, dây buộc, học đếm hay học dùng dao nĩa trên bàn ăn… Chi phí giáo cụ riêng cho một lớp học như thế cũng mất không dưới 2.500 USD (trên 50 triệu đồng).

Nhân lực thực hiện phương pháp này cũng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao, phải trải qua khóa đào tạo về phương pháp Montessori dưới sự chỉ dạy của những giáo viên đã có chứng chỉ. Tại Mỹ, các giáo viên của một trường học Montessori đều phải tốt nghiệp Đại học, phải trải qua các khóa lý thuyết và thực hành phương pháp Montessori trong khoảng một năm.

Trong lớp học Montessori, giáo viên không giảng dạy mà là người định hướng cho trẻ trong những hoạt động khơi dậy tiềm năng cá nhân riêng có. Một người định hướng giỏi phải biết tôn trọng trẻ, tinh tế trong quan sát và nhận thức, đồng thời thực sự tạo được không gian hứng thú cho từng em bé trong lớp.

Mang những điều kiện trên đây làm “thang điểm” chấm cho các trường mầm non tại Hà Nội công bố thực hiện Montessori, có lẽ hiếm có nơi nào đủ chuẩn. Hầu hết các trường có Montessori mới chỉ dừng lại ở việc “áp dụng” những yếu tố phù hợp trong điều kiện cho phép.

(internet)


MONTESSORI - ƯU ĐIỂM, HẠN CHẾ TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM

Ưu điểm và hạn chế

Học sinh học trong một ngôi trường Montessori luôn thích đến lớp, có  tính kỷ luật cao, độc lập, biết cách tự suy nghĩ giải quyết vấn đề. Phương pháp này cũng ghi nhận thành công ở mọi đối tượng trẻ  em, bao gồm cả những trẻ gặp vấn đề về  trí tuệ, thể chất hoặc cả hai. Ở các nước Âu, Mỹ, các trường Montessori cũng dành cho mọi tầng lớp xã hội, từ thu nhập cao tới thấp, từ các cộng đồng trí thức tới người dân lao động. Tuy rằng cùng chung một triết lý, cùng dùng chung bộ giáo cụ, và nhiều quy chuẩn khác, chúng ta không bao giờ tìm thấy hai trường Montessori giống hệt nhau. Các chương trình Montessori “thích nghi” cao độ với mỗi đối tượng trẻ em khác nhau, thậm chí là với cả các bậc phụ huynh khác nhau và các giáo viên khác nhau; cho đến cả các vùng địa lý khác biệt cũng tạo nên những sự khác biệt cơ bản cho chương trình Montessori ở đó.



Là một trong những mô hình tốt nhất và nổi tiếng nhất thế giới, tuy nhiên theo đánh giá của một số nhà giáo dục, phương pháp của Montessori cũng có những điểm chưa hoàn hảo. Bà coi trọng sự phát triển trí tuệ hơn là mặt cảm xúc và xã hội của một đứa trẻ. “Người giáo viên Montessori giới thiệu trò chơi, sau đó lùi ra phía sau, cho phép trẻ tự làm công việc của mình. Trong quan điểm của bà, đồ vật - chứ không phải con người – là những giáo viên tốt nhất” (Kramer, 1976, trang 21). Thêm vào đó, bà không cổ vũ cho những câu chuyện cổ tích – ngày nay đã được chứng minh là rất tốt cho sự phát triển về tình cảm và nhận thức của trẻ em. Theo bà, “các câu chuyện tưởng tượng chỉ khuyến khích trẻ xa rời thực tế. Hơn nữa, khi trẻ em nghe truyện cổ tích, chúng thụ động tiếp nhận quan điểm, cảm giác của người lớn. Trẻ không tự mình suy nghĩ” (Montessori, 1917, trang 259).

Montessori trong bối cảnh Việt Nam

Với nhiều ưu điểm như vậy, nhưng việc đưa một chương trình Montessori “thực sự” vào Việt Nam không hề dễ dàng. Rào cản lớn nhất là chi phí và nhân lực.
Với yêu cầu môi trường học tập đẹp, tạo sự thoải mái cho học sinh, mọi đồ nội thất được thiết kế  riêng theo kích thước trẻ em, và theo chuẩn của Montessori, chi phí sẽ không hề rẻ. Giáo cụ dành cho phương pháp này, hiện nay theo hiểu biết của những người viết, là không sẵn có ở Việt Nam. Trong khi một bộ giáo cụ như vậy ở Mỹ bán với giá trên 2500 đô la (khoảng trên 50 triệu đồng Việt Nam), và chỉ dùng được cho một lớp học duy nhất – không thể chia ra cho nhiều lớp hoặc dùng chung.


Yêu cầu về  giáo viên của chương trình Montessori cũng rất ngặt nghèo. Ở Mỹ, ngoài việc phải có bằng đại học (bắt buộc), những người muốn thành giáo viên để làm việc trong các trường Montessori phải tham dự khóa đào tạo một năm bao gồm 10 tuần học lý thuyết, và một năm thực hành dưới sự hướng dẫn của các giáo viên đã có chứng chỉ. Chi phí cho các khóa học vào khoảng từ 4.000 tới 10.000 đô la Mỹ, phụ thuộc vào từng trung tâm đào tạo và chất lượng đào tạo. Hai tổ chức lớn nhất và được công nhận trên phạm vi toàn thế giới là Cộng đồng Montessori Mỹ (AMS) và Liên hiệp Montessori Quốc tế (AMI).
Với mức đầu tư và những yêu cầu nghiêm ngặt về cơ  sở vật chất và chất lượng giáo viên như trên, thông thường học phí của các trường Montessori ở Mỹ rơi vào mức cao ngay cả đối với người Mỹ.

Kết luận

Qua hàng trăm năm phát triển, các trường Montessori đã xây dựng được niềm tin và sự yên tâm ở các bậc phụ huynh trên toàn thế giới. Hiển nhiên, nếu có điều kiện để gửi con vào một trường như vậy là rất tốt. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên cảnh giác với vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vốn vẫn xảy ra không chừa cả lĩnh vực giáo dục. Để nhận diện một trường Montessori thực sự, phụ huynh cần kiểm tra không chỉ cơ sở vật chất (phòng học thoáng đẹp, nội thất kích thước dành cho trẻ em, bộ giáo cụ chuẩn) mà còn phải yêu cầu nhà trường cung cấp chứng chỉ giáo viên Montessori của đội ngũ giáo viên và thông tin về nơi cấp các chứng chỉ đó. 
Một điểm nữa cần lưu ý, đó là, phương pháp giáo dục theo tiêu chuẩn Montessori không phải là phương pháp duy nhất tốt. Vẫn còn đó những mô hình khác tốt, và hợp lý với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Hy vọng các vị phụ huynh đủ tỉnh táo để nhận biết cái gì là tốt nhất với con mình.

(Ngô Bích Hằng)


ĐIỂM KHÁC BIỆT CỦA MONTESSORI

Phương châm giáo dục của Montessori: "Học trẻ để dạy trẻ tốt hơn"


- Các lớp Montessori tập trung các em ở những độ tuổi khác nhau
Thông thường chúng hòa trộn ba độ tuổi. Trong các lớp nhiều cấp, các em nhỏ hơn luôn bị kích thích bởi công việc thú vị mà các em lớn đang thực hiện. Đồng thời, các em lớn hơn hoạt động như người dạy kèm và mô hình mẫu cho các em nhỏ hơn, giúp chúng thành thạo hơn (chúng ta có thể học tập tốt nhất khi chúng ta dạy lại một người nào đó) và cho chúng có quyền được tự hào.

- Trẻ chủ động chọn khu vực học và theo đuổi hứng thú của mình đến khi trẻ muốn đổi qua hoạt động khác. Qua đó chuẩn bị trẻ tự lập và tự khám phá và tự sửa sai. Với phương pháp này, người lớn không nên “can thiệp” quá nhiều đối với trẻ, đặc biệt là việc áp đặt tư tưởng, quan niệm, cách nhìn của mình với bé. Tiếp nhận các kiến thức bằng bản năng, trẻ sẽ tiếp thu cái mới một cách tự nhiên, dễ dàng và dần dần sẽ nắm bắt được thông tin một cách có ý thức.

- Trẻ học thông qua thử nghiệm với các đồ dùng học tập và qua các trẻ khác. Có ít nhất 3 tiếng trẻ hoạt động với học cụ mỗi ngày, giáo viên không có quyền cắt ngang khi trẻ đang hứng thú với hoạt động của mình để theo hoạt động của lớp.

- Đồ dùng học tập: được thiết kế chuyên biệt như đồ dùng cho hoạt động hằng ngày giúp trẻ phát triển về thể chất, tính kiên trì, sự tự tin, độc lập và sự sáng tạo; đồ dùng học tập để phát triển giác quan, sự nhạy cảm, đồ dùng học tập về toán học giúp trẻ phát triển về tư duy logic, làm quen với các khái niệm về toán học; đồ dùng học tập cho các môn khoa học như lịch sử, địa lý để giúp trẻ hiểu biết về văn hóa thế giới, thích nghi và hòa nhập với cộng đồng.

- Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, chỉ bảo từng em để trẻ phát triển tư duy, tự nâng cao tính độc lập và tự tin. Các em sẽ ở với giáo viên trong ba năm. Điều này cho phép giáo viên phát triển quan hệ sát và lâu dài với học sinh, cho phép họ biết rõ từng cách học tập của trẻ, và khuyến khích ý thức cộng đồng mạnh mẽ giữa các em.


- Montessori không có hệ thống thi đua. Kết quả học tập của trẻ được dựa trên những ghi chép hàng ngày của giáo viên, dựa trên những tiêu chuẩn: thái độ, hành vi, kiến thức và quan trọng hơn cả là trẻ cảm thấy hạnh phúc khi đến trường; trưởng thành trong cuộc sống.

(internet)

MONTESSORI VÀ PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN THỐNG




PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI
PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN THỐNG
1.     Trẻ là trung tâm, tự học
1.      Giáo viên là trung tâm, học gián tiếp và học theo nhóm.
2.      Chú ý đến việc tự học, chơi trò chơi có ý nghĩa và học qua trải nghiệm thực tế
2.      Trẻ được giáo viên dạy trực tiếp, chủ yếu là học vẹt

3.      Trẻ được học trong môi trường tự do trong khuôn khổ, có kế hoạch và chuẩn bị chu đáo
3.      Trẻ bị kiểm soát và các hoạt động học tập của trẻ do giáo viên phân chia

4.      Trẻ học là do tự yêu thích và hứng thú
4.      Hứng thú học của trẻ phụ thuộc vào giáo viên
5.      Trẻ được phân nhóm theo hàng dọc
5.      Trẻ được phân nhóm theo hàng ngang theo trình độ và theo tuổi
6.      Sử dụng đồ dùng dạy học đặc biệt có yếu tố “kiểm soát lỗi” để trẻ tự sửa lỗi và làm lại cho đúng
6.      Trẻ được giáo viên dạy cách sử dụng các đồ dùng dạy học thông thường. Học tập thườn là quá trình thử nghiệm và có sai sót. Giáo viên sửa lỗi cho trẻ trong quá trình học.
7.      Trẻ tự học hoặc học theo nhóm không chính thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
8.      Trẻ thường được phân chia thành nhóm trong một lớp chính thức.
9.      Thời khoá biểu linh hoạt, do đó trẻ có thể thoải mái hoàn tất công việc của mình hoặc đổi sang hoạt động khác khi cần.
9.      Thời khoá biểu cố định và trẻ phải thực hiện theo quy định ngặt nghèo của lớp.

TRIẾT LÝ VÀ PHƯƠNG PHÁP MONTESSORI

Trong khi phần đông các nhà giáo dục lớn đều thiên về  lý thuyết, Maria Montessori là người dành cả  cuộc đời cho công việc giảng dạy trẻ em. Không dựa trên các nghiên cứu bài bản, các ý tưởng của bà xuất phát trong quá trình làm việc với trẻ em, và được thực tế kiểm chứng mức độ đúng đắn. Hãy xem cách làm của bà.

1.      Xây dựng môi trường 
Trẻ học ngôn ngữ và các kỹ năng quan trọng cơ bản của cuộc sống thông qua tiếp nhận một cách vô thức từ môi trường xung quanh, do đó tạo ra một môi trường học tập tốt cho trẻ là ưu tiên số một của phương pháp này. “Môi trường” ở đây, theo Montessori, không chỉ bao gồm vùng không gian mà trẻ sử dụng, nội thất phòng học, đồ chơi; mà còn là những giáo viên, nhân viên nhà trường và các trẻ khác mà trẻ được tiếp xúc hàng ngày. Do đó, bà chuẩn bị tất cả mọi thứ có thể để mang lại môi trường tốt nhất cho trẻ. 


                                                                                  Ảnh minh hoạ (internet)

Lớp học Montessori trông thực sự giống ngôi nhà của bảy chú  lùn trong truyện cổ tích. Ở đó có những chiếc bàn, ghế, đĩa bát v.v bé xinh vừa với trẻ em. Tất cả nhằm xây dựng một môi trường thoải mái nhất cho trẻ nhằm giúp trẻ tiếp thu kiến thức tốt nhất. Không chỉ có nội thất kích thước trẻ em, trong lớp học Montessori, chúng ta bắt gặp những đồ gia dụng thực sự với kích thước này. Thay vì những con dao nhựa, trẻ được học cách sử dụng những con dao lưỡi sắc mà không gây thương tích cho mình và những người xung quanh. Montessori quan niệm những con dao, cái kéo, lò nướng … thu nhỏ này giúp trẻ học được những kỹ năng thực sự cần thiết và cả ý thức về an toàn.

Tất cả các vật dụng trong lớp đều có một vị trí cố định ở dưới thấp, vừa tầm tay với của trẻ. Bất cứ khi trẻ cần cái gì, trẻ đều biết chính xác vật đó đang ở đâu và sau khi sử dụng xong rồi thì bé phải cất lại chỗ nào. Sự sắp xếp này tạo điều kiện cho trẻ thực hiện một hoạt động được liên tục cho tới khi ý tưởng của bé hoàn thành. Thử tưởng tượng trẻ muốn làm một cô nàng búp bê giấy, mà không thể tìm được kéo ở đâu, hồ dán chỗ nào, và liên tục phải chạy ra nhờ cô giáo lấy hộ khi thì cuộn chỉ, khi thì hộp sáp màu tận tít trên cao. Đến lúc tìm được hết những thứ cần thiết, có khi ý tưởng về một cô búp bê biết chơi bóng đá đã bay vèo qua cửa sổ mất rồi.

Với Montessori, việc giáo viên biết cách tạo dựng môi trường lớp học luôn đẹp và ngăn nắp cũng quan trọng như biết cách chăm sóc trẻ khỏe mạnh vậy. Bà đòi hỏi giáo viên hình dung chi tiết khi trẻ đến lớp, hình ảnh và âm thanh đầu tiên các bé ghi nhận là gì, không khí lớp học có thoáng đãng không, có hoa tươi hay không v.v. Đây chính là những hành động cụ thể của giáo viên để giáo dục cảm giác cho trẻ.
Ngoài ra, để tăng cường sự gắn bó của trẻ với “cộng đồng nhỏ” của mình, một lớp học sẽ bao gồm nhiều nhóm trẻ khác độ tuổi. Điều này khiến trẻ có thể học hỏi từ bạn bè, từ  các trẻ lớn hơn. Cách bố trí lớp học như  vậy cũng khiến trẻ được tiếp xúc lâu dài với một vài giáo viên trong suốt những năm học trong trường. Giáo viên, do đó có thời gian tìm hiểu rõ điểm mạnh yếu và cách học của từng trẻ đồng thời xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh.

2.      Tự lập và tập trung
Montessori cho rằng trẻ em cần và muốn được tự mình lo lấy các việc cá nhân. Người lớn chúng ta đang “phục vụ” trẻ em quá nhiều, trong khi nên nhớ rằng nếu trẻ không được làm cái gì, chúng sẽ không biết làm cái ấy. Tại sao trẻ không được tập dọn đồ ăn cho bản thân mình chỉ vì nỗi sợ của người lớn là chúng sẽ đánh đổ bát đĩa? Với niềm tin trên, Montessori khuyến khích giáo viên tạo cơ hội cho trẻ được làm mọi thứ trong khả năng, đồng thời cũng giao trách nhiệm cho các cô bé cậu bé giữ gìn lớp học luôn sạch sẽ và gọn gàng như vốn có. 


                                                                               Ảnh minh hoạ (internet)

Để phát triển năng lực tư duy, rèn luyên kỹ năng làm việc và quản lý công việc của trẻ, Montessori dành cho trẻ những khoảng thời gian mở để thực hiện các “dự án” của mình. Dựa trên quan sát, bà đưa ra kết luận rằng, trẻ em thể hiện sự tập trung cao độ khi được tự do khám phá vô số những điều thú vị xung quanh. Do đó các giáo viên Montessori cho phép trẻ tự chọn công việc mà chúng sẽ làm, tự quyết định cách làm và thời gian hoàn tất. Như vậy, học sinh thì được tự do tìm hiểu và trải nghiệm trong khi giáo viên có thời gian để quan sát và giúp đỡ trẻ khi cần. Giáo viên không yêu cầu trẻ bỏ dở công việc của chúng, trừ khi thực sự cần thiết.

3.      Quan sát học sinh
Tiến sĩ Montessori cho rằng không có ai là không có khả năng học tập. Nếu trẻ không học được, có nghĩa là người lớn chưa lắng nghe trẻ đủ cẩn thận, hoặc là chưa quan sát trẻ đủ kỹ càng. Với cách thiết kế lớp học trong đó học sinh tự  làm các công việc phục vụ bản thân và tự  làm chủ quá trình học tập như trên đã trình bày, các giáo viên hoàn toàn có đủ thời gian để tìm hiểu nhu cầu và phương pháp học thích hợp cho trẻ. 

4.      Bộ trò chơi phát triển năng lực




Montessori phát triển bộ giáo cụ để phát triển năm lĩnh vực: giác quan, kỹ năng cuộc sống, ngôn ngữ, toán, địa lý và văn hóa. Bộ giáo cụ này bao gồm 134 trò chơi khác nhau dành cho trẻ. Các trò chơi này được thiết kế để trẻ tự chơi và tự kiểm chứng kết quả công việc của mình (ví dụ bộ xếp hình bản đồ thế giới, nếu các mảnh ghép sẽ chưa khớp lại được với nhau, trẻ tự biết là mình chưa xếp đúng). Giáo viên được đào tạo để hiểu rõ ý nghĩa của mỗi trò chơi, quy trình và cách giải thích cho trẻ. Trong giờ học, trẻ tự lựa chọn trò chơi cho mình – mỗi trò nhằm phát triển một hay một vài trong số năm lĩnh vực trên. Nếu trẻ gặp khó khăn, giáo viên sẽ đưa ra chỉ dẫn hợp lý cho trẻ.
(giadinh.net)


PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC MONTESSORI LÀ GÌ?

Phương pháp Giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952). Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác. Năm 1907 bà bắt đầu sự nghiệp là nhà giáo dục khi bà được mời tổ chức 1 trường trong khu tái định cư ổ chuột khu vực San Lorenzo, Ý. Trong giai đoạn này bà đã quan sát thấy rằng trẻ em hoàn toàn bị cuốn hút bởi các vật dụng và chất liệu được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan. Tiến sĩ Montessori tiếp tục phát triển những sự trợ giúp dạy học chuyên biệt được dùng cho những trẻ trong môi trường thích hợp và tôn trọng những đặc tính riêng biệt của trẻ.


Phương pháp Montessori chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình. Do đó việc tổ chức các lớp học theo mô hình Montessorri phải đảm bảo sự tôn trọng tính riêng biệt của mỗi trẻ và phải bố trí phòng học và bài học phù hợp những nhu cầu và mục đích của mỗi em.
Phương pháp chủ yếu được áp dụng cho trẻ nhỏ từ 2-6 tuổi do các bản năng và sự nhạy cảm duy nhất của trẻ nhỏ đối với các điều kiện trong môi trường.
Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lậptự do (trong khuôn khổ cho phép) trong việc hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho học sinh các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ và hiện đại. Tổ chức AMI (Hiệp Hội Montessori Quốc tế) và AMS (Hiệp Hội Montessori Mỹ) đã nêu ra đặc trưng của phương pháp học Montessori như sau:
·         Lớp học ghép các lứa tuổi lại với nhau. Thông thường là các trẻ từ 2½ hay 3 tuổi đến 6 tuổi.
·         Trẻ tự lựa chọn hoạt động (với điều kiện là các hoạt động này đã được giáo viên lên kế hoạch sắp xếp trước)
·         Trẻ không bị ngắt quãng hay làm phiền trong quá trình ‘làm việc’
·         Học sinh học hỏi khái niệm, kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế với các học cụ, mô hình mang tính chất khám phá, xây dựng, hơn là học theo chỉ dẫn trực tiếp từ phía giáo viên.
·         Các học cụ giáo dục đặc biệt được Bà Montessori và đồng sự nghiên cứu, sáng tạo và phát triển nên.
Ngoài ra, nhiềtrường học Montessori cũng tự thiết kế chương trình có tham khảo nhiều tài liệu về phương pháp giáo dục của bà Montessori (trong đó phải kể đến là các bài học, học cụ mang tính mô phạm hay phương pháp giáo dục mà Tiến sĩ Montessori đưa ra trong các khóa đào tạo giáo viên đương thời).
(Theo wikipedia)